• by: Quản trị viên
  • Lượt xem: 824
Lúc 05/01/2024

Hàng năm cứ vào tháng 9, tháng 10, tỉnh Yên Bái lại tổ chức “Lễ hội văn hóa - du lịch Mường Lò”, trong đó nổi bật là lễ hội Xòe Mường Lò của người Thái ở thị xã Nghĩa Lộ với 6 điệu xòe cổ hay được gọi theo tiếng Thái là "xé cáu ké" bao gồm: xòe vòng (xé vóng), vòng tròn vỗ tay (ỏm lọm tốp mư), tung khăn (nhôm khăn), bổ bốn (phá xí), tiến lùi (đổn hôn), nâng khăn mời rượu (khắm khăn mơi lảu).

Những điệu xòe cổ đặc sắc này đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2017.

Trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò hằng năm, người dân và du khách được tham quan, thưởng lãm không gian văn hóa rực rỡ sắc màu của Ngày hội Văn hóa các dân tộc Yên Bái; được trải nghiệm trò chơi dân gian; được bay trên dù lượn, thả hồn trong hương sắc mùa thu ngắm thung lũng Mường Lò cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc trong khuôn khổ Lễ hội; được hòa mình trong vòng xòe bất tận để cảm nhận những giá trị nhân văn sâu sắc, sức sống mãnh liệt và sự lan tỏa mạnh mẽ của Nghệ thuật xòe Thái, Di sản Văn hóa Phi Vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh.

Xòe Thái có sự nhịp nhàng uyển chuyển của đôi chân theo nhịp khèn, trống rộn rã đến lúc cuồng nhiệt, ý nghĩa của những điệu xòe Mường Lò du khách dễ hòa nhập, múa xòe làm cho người lạ bỗng thành quen.

Qua mỗi bước xòe, con người gần gũi, chan hòa với nhau hơn, yêu người, yêu đời để bước vào cuộc sống lao động, chiến đấu với niềm tin yêu trong sáng vô hạn. Khi ta lẫn vào vòng xòe mới cảm nhận được sự quyến rũ khó lường của xòe tay, cầm tay quyện tròn xung quanh đống lửa hồng rực sáng.

Vòng đại xòe Mường Lò thu hút hàng ngàn người dân, nghệ nhân, diễn viên tham gia xác nhận kỷ lục Việt Nam như một điểm nhấn văn hóa đặc biệt ở miền Tây Bắc. 6 điệu xòe cổ còn lưu giữ được đến ngày nay hội tụ nét tinh hoa nghệ thuật và toát lên tình cảm, đoàn kết các dân tộc anh em nơi đây.

Xòe Thái có khăn đỏ dài quàng qua cổ, tô điểm thêm bộ áo váy đẹp và rất riêng. Người Thái có trang phục độc đáo. Phụ nữ mặc áo cỏm, đủ màu sắc, đính hàng khuy bạc hình bướm, nhện, ve sầu... chạy trên đường nẹp xẻ ngực, bó sát thân, ăn nhịp với váy dài màu thẫm, cuốn hình ống, có hoa văn ở gấu, thắt eo bằng thắt lưng xanh lá cây, đeo xà tích bạc bên hông.

Xòe Thái Mường Lò, Nghĩa Lộ đã tạo nên một văn hóa, phong tục xòe truyền thống trường tồn và không thể thiếu trong cuộc sống của cộng đồng dân tộc nơi đây.

Ngày 15/12/2021, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản Văn hoá phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Paris (Pháp), Di sản "Nghệ thuật Xòe Thái" của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngày 24/9/2022, UBND tỉnh Yên Bái chính thức tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Tại Lễ Khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị tỉnh Yên Bái cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật Xòe Thái" đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của mọi người tham gia bảo vệ và phát huy di sản bằng những việc làm thiết thực; Tiếp tục nhân rộng các mô hình, tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy Di sản Nghệ thuật Xòe Thái trong cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương.

Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về bảo tồn văn hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.