• by: Quản trị viên
  • Lượt xem: 643
Lúc 31/01/2024

“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” là câu nói từ ngàn xưa giới thiệu về bốn Mường lớn ở vùng Tây Bắc. Lớn nhất là Mường Thanh (Điện Biên), thứ nhì Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái), thứ ba Mường Tấc ( Phù Yên, Sơn La), thứ tư Mường Than (Than Uyên, Lai Châu). Đây được coi là 4 vựa lúa của Tây Bắc.

Mường Lò là một trong 4 Mường này; nơi hội tụ của nhiều bản sắc văn hóa của đồng bào Tây Bắc, nổi trội là văn hóa của các dân tộc Thái, Mông, Mường, Dao, Tày. Các lễ thức dân gian của các DTTS thể hiện đậm nét nhất trong dịp Tết và những ngày hội Xuân, gắn với tập tục và bản sắc mỗi dân tộc, thể hiện quan niệm về nhân sinh, vũ trụ, từ thuở sơ khai, thông qua tín ngưỡng và các hoạt động lễ hội mang đậm dấu ấn của từng dân tộc.

Người Thái ở Mường Lò có câu tục ngữ: Muốn biết lòng chủ nhà thế nào, hãy xem họ mời rượu. Khách quen đến nhà, người Thái xuống tận chân cầu thang tiếp đón niềm nở rồi đưa lên sàn trải chiếu mời ngồi với lời chúc tốt đẹp đầu Xuân, vừa chuyện trò vừa nhâm nhi chén rượu. Nhận ra khách quý thật tâm với bản, chủ nhà có tín hiệu cho con cháu mời bà con mường bản và các cô gái đến khắp (hát), múa (xòe). Khách được mời vào vòng xòe, được hướng dẫn theo nhịp trống rộn ràng. Những câu chuyện trong vòng xòe có khi đem theo mãi trong đời với những người bất chợt nhận ra đó chính là bạn mình muốn tìm từ lâu. Khi chia tay khách ra về, các cô gái đứng hai bên cầu thang mời rượu, hẹn ngày gặp lại...

Trong ngày hội Xuân, người Thái có nhiều trò chơi truyền thống có tính cộng đồng như tung còn, tó mắc lẹ (đáo quả lẹ). Đáng kể nhất là sàn “hạn khuống”, hình thức diễn xướng giao duyên, với những lời ca trữ tình bắt nguồn từ lao động. Bên bếp lửa và khung dệt thổ cẩm hay góc cửa sổ đan chài lưới, thêu hoa, kết khăn piêu; trai gái được dịp trổ tài hát đối đáp thâu đêm với những tình huống kịch tính đầy ấn tượng, đầy ý nghĩa nhân sinh và ấm nồng tình yêu lứa đôi.

Những lễ thức ngày Tết, đón Xuân của các dân tộc ở Mường Lò nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung ngày nay còn giữ được nhiều nét chân phác, gần gũi với thiên nhiên, thô mộc, khoáng đạt trữ tình, tạo cho cảnh sắc và con người Mường Lò thêm thân thiện và cởi mở đón du khách về làng, về bản cùng vui Xuân.